Làng nghề truyền thống Rượu Bàu Đá Cù Lâm, Nhơn Lộc
Từ Tp. Quy Nhơn, theo quốc lộ 1A khoảng hơn 10km về hướng bắc, du khách sẽ đến thị xã An Nhơn. Đi tiếp theo quốc lộ 19 khoảng 10km nữa về hướng tây, du khách sẽ tới xã Nhơn Lộc.
Xã Nhơn Lộc – quê hương của đặc sản rượu Bàu Đá, loại rượu từng được thi sĩ Tản Đà xứng tụng là “đệ nhị danh tửu”, có khoảng hơn 1.000 hộ nấu rượu trong lúc nông nhàn và vào các ngày lễ tết. Riêng thôn Cù Lâm Bắc có khoảng vài chục hộ sinh sống chủ yếu bằng nghề nấu rượu.
Cổng Làng nghề truyền thống Rượu Bàu Đá.
Theo tương truyền, thuở xưa có một người phụ nữ tên Đấu quê ở huyện Tây Sơn (Bình Định), lấy chồng về làng Bàu Đá và đem theo nghề nấu rượu gia truyền. Để có được rượu ngon, bà đã phải dùng nước đựng trong bàu của gia đình mình để nấu rượu, bởi vậy mà rượu mới thơm ngon và có hương rất riêng, khác hẳn các loại rượu khác. Sau khi bà mất, bà đã để lại công thức nấu rượu gia truyền cho người dân trong làng. Để tưởng nhớ công ơn của bà, người dân làng Bàu Đá đã lấy tên bà để đặt tên cho thứ rượu tuyệt hảo này, nhưng để không phạm huý, người ta đã gọi lái sang là Bàu Đá (bà Đấu).
Theo các lão làng có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nấu rượu Bàu Đá cho biết, để có một nồi rượu thơm ngon, người ta phải dùng gạo trì để nấu, mỗi mẻ là 5kg gạo, nấu đúng 6 tiếng đồng hồ và chỉ cất được từ 2,5 – 3 lít rượu.
Làm cơm rượu cũng là một công đoạn quan trọng để cho rượu trong và ngon.
Về đồ nghề làm rượu, người ta sử dụng củ tre có hình cong, ruột đục rỗng để làm ống dẫn rượu từ lò ra chum. Chum đất hứng rượu phải được bịt kín để tránh rượu bay hơi. Trong thời gian nấu, thông thường người ta chỉ để lửa liu riu, tuy nhiên, vẫn phải thường xuyên lắng nghe giọt rượu nhỏ nhanh hay chậm để thêm hay bớt lửa. Chính vì cách nấu cẩn thận này mà rượu Bàu Đá có hương vị rất tinh khiết và đậm đà.
Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận Làng nghề Rượu Bàu Đá Cù Lâm đạt tiêu chí làng nghề truyền thống.